Hội thảo Lấy ý kiến phản hồi từ người học về hoạt động giảng dạy của giảng viên
- Thứ năm - 30/05/2013 15:47
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Từ năm học 2007 - 2008, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đã tiến hành triển khai thí điểm đánh giá hoạt động giảng dạy của giảng viên có sự tham gia của sinh viên. Đến nay, 100% các cơ sở giáo dục đại học trên toàn quốc đã đồng thuận triển khai nội dung lấy ý kiến phản hồi từ người học về hoạt động giảng dạy của giảng viên.
Hội thảo tại điểm cầu Hà Nội
Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được hơn 70 báo cáo của các cơ sở giáo dục. Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe báo cáo tổng hợp về việc thí điểm triển khai lấy ý kiến phản hồi từ người học về hoạt động giảng dạy của giảng viên. Nhìn chung, đa số các trường đều đồng loạt triển khai có hiệu quả nhưng bên cạnh đó vẫn có nhiều cơ sở giáo dục lúng túng, gặp nhiều khó khăn khi không có người chuyên trách thực hiện, lại phải mất nhiều thời gian cho việc xử lý thông tin (thu thập phiếu, nhập và xử lý số liệu). Hoặc trường hợp HSSV ở một số trường có phiếu khảo sát kết quả học sinh, sinh viên đánh giá các giảng viên đều giảng dạy tốt và rất rốt, khác biệt hẳn với thực tế đánh giá từ phiếu dự giờ giảng dạy của tổ thanh tra. Kết quả phản hồi không chuẩn xác này bắt nguồn từ việc sinh viên còn e ngại trong đánh giá giảng viên, giáo viên vì lo khóa học còn tiếp tục. Đối với giảng viên cho điểm chặt thường không được đánh giá cao. Việc lấy ý kiến phản hồi còn tiếp tục bị gây khó bởi phản ứng tiêu cực của giảng viên. Tại một số trường Đại học ở Hà Nội, thời gian đầu thực hiện công việc này nhiều giáo viên tỏ ra bức xúc vì “tự nhiên bị đánh giá”, một số giảng viên phản đối, không bằng lòng với việc đánh giá, cho là “xúc phạm đến nhà giáo”.
Ông Hoàng Đức Minh - Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu trực tiếp tại Hội thảo, các ý kiến tham luận đều thống nhất cho rằng, việc lấy ý kiến phản hồi từ người học về hoạt động giảng dạy của giảng viên là rất cần thiết và cần tiến hành thường xuyên. Để việc lấy ý kiến phản hồi từ người học về hoạt động giảng dạy của giảng viên đạt hiệu quả tốt, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đề xuất một số ý kiến:
- Ban hành chuẩn nghiệp vụ sư phạm đối với giảng viên các trường đại học, cao đẳng làm căn cứ thực hiện đánh giá, lấy ý kiến phản hồi từ người học về hoạt động giảng dạy của giảng viên;
- Ban hành quy định về công tác lấy ý kiến phản hồi từ người học về hoạt động giảng dạy của giảng viên; Bộ chủ trì xây dựng mẫu phiếu đánh giá chung (hoặc phần mềm) giúp các cơ sở giáo dục đại học tiến hành triển khai công việc này một cách thuận lợi;
- Cần phải đưa nội dung này vào nhiệm vụ năm học đối với các trường đại học, cao đẳng; Tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện của các cơ sở giáo dục đại học trong những năm qua; Tiếp tục đưa vào tiêu chí đánh giá thi đua hàng năm của ngành giáo dục và đào tạo đối với các cơ sở giáo dục đại học.
Bên cạnh đó, không nên xây dựng một mẫu đánh giá chung áp dụng cho tất cả các trường, mà chỉ nên đưa ra những định hướng, để các trường tùy thuộc vào điều kiện, đặc điểm của trường mình mà tự xây dựng mẫu đánh giá riêng cho phù hợp…
Thực hiện quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ năm học 2008 - 2009 đến nay Trường Cao đẳng Y tế Thái bình đã thường xuyên triển khai việc lấy ý kiến của học sinh, sinh viên đối với giảng bằng phiếu lấy ý kiến sau khi kết thúc học phần mà giảng viên đó đảm nhiệm; ngoài ra nhà trường còn tiếp nhận ý kiến phản hồi của HSSV thông qua các buổi giao lưu, đối thoại trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua hệ thống hòm thư góp ý, thư điện tử, số điện thoại nóng của nhà trường.
Qua đó hàng năm nhà trường đã tổng hợp các ý kiến và thông báo trực tiếp kết quả đánh giá với giảng viên, để giảng viên tự điều chỉnh, khắc phục những hạn chế và phát huy những ưu điểm của giảng viên. Đồng thời, nhà trường cũng sử dụng kết quả này để phân công phù hợp và có kế hoạch đào tạo bồi dưỡng, phát triển nâng cao chất lượng đội ngũ.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://animdan.com là vi phạm bản quyền